Đáo bỉ ngạn

Đức Phật đã sánh giáo lý của Ngài chẳng khác nào một chiếc bè dùng để chở mình qua sông (đáo bỉ ngạn) chứ không phải để mà cất giữ và vác nó lên vai:

“Ớ các tì khưu! Có người kia đi đến một vùng nước rộng, thấy mé mình đứng rất nguy hiểm và ghê sợ, còn mé bên kia thì yên ổn hiền lành. Muốn sang qua đó thì lại không cầu. Anh ta bèn nghĩ: ta hãy bẻ cây làm tạm một chiếc bè để đưa ta qua sông. Sau khi đến mé bên kia rồi, anh ta bèn nghĩ: nhờ chiếc bè này mà ta qua được bên này, như vậy, ta phải đội nó trên đầu ta hoặc vác nó trên vai ta luôn luôn bất cứ đi đâu. Ớ các tì khưu, các ông nghĩ thế nào cái việc làm của anh đó! Làm như thế, người ấy có đối xử đúng với chiếc bè của anh ta không?

– Thưa Thế Tôn, không ạ.

– Vậy thì, người ấy phải đối xử cách nào đối với chiếc bè cho phải lẽ? Giờ đây nhờ chiếc bè để qua được mé bên kia, đạt được ý muốn rồi, người ấy nghĩ: Nhờ nó mà ta qua được mé bên kia, vậy thì, bây giờ ta không còn cần dùng đến nó nữa, hãy để yên nó lại đây bên mé sông, hay buông thả nó trôi tha hồ theo dòng nước mà đừng lưu luyến gì đến nó nữa! Người ấy nghĩ thế và làm thế, là sáng suốt, là đúng lẽ

Ớ các tì khưu, giáo lý của Ta cũng chẳng khác nào chiếc bè trên đây: nó dùng để chở ta qua sông, chứ không phải để mà đội trên đầu, mang trên vai mãi mãi. Như vậy, rồi các người cũng phải vứt bỏ giáo lý ấy đi như người kia vứt bỏ chiếc bè đã đưa nó qua mé bên kia… Cả những thiện ác nữa…cũng cần vứt bỏ hết”

Nhân ngón tay mà thấy được mặt trăng, thì công dụng của ngón tay đã xong: khi thấy được mặt trăng rồi thì có thể quên ngón tay đi. Nếu lại chỉ ngó thấy ngón tay mà chẳng chịu ngó mặt trăng, hoặc lại nhận lầm ngón tay mà chẳng chịu ngó mặt trăng, thì ra ngón tay chẳng những không có công dụng gì cả, lại còn trở thành chướng ngại…là khác.

Đây cũng là chỗ Trang Tử nói: “Đặng cá, hãy quên nơm; đặng thỏ, hãy quên dò; đặng ý, hãy quên lời”

(Trích dẫn: Phật học tinh hoa – Thu Giang Nguyễn Duy Cần)

Bình luận về bài viết này