Thương Cảng Hội An (1)

Phố cổ Hội An ngày nay

Từ thế kỉ 17, do sự bất lực của vua Lê nên nước Đại Việt bị chia thành 2 lãnh thổ, do chúa Trịnh và chúa Nguyễn cai quản. Chúa Nguyễn cai quản phần lãnh thổ Đại Việt thì sông Gianh trở vào, gọi là Đàng Trong, để phân biệt với Đàng Ngoài do chúa Trịnh cai quản. Từ khi ổn định được phần đất của mình, các chúa Nguyễn không ngừng mở rộng bờ cõi về phía Nam, đồng thời phát triển các hoạt động ngoại thương một cách sôi nổi. Trong bối cảnh đó, Hội An nổi lên như một thương cảng tiêu biểu cho các hoạt động mua bán. Nhưng thật ra, thương cảng Hội An đã được hình thành từ trước đó rất lâu. Trong nhiều thế kỉ trước, nơi đây đã là thương cảng trọng yếu của người Chăm pa. Tuy nhiên, phải đến nửa đầu thế kỷ 17, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Đàng Trong, Hội An mới trở thành trung tâm mậu dịch lớn của nước Đại Việt. Theo sử cũ ghi lại, đây là một trong những thương cảng sầm uất của vùng Đông Nam Á, với sự hội tụ của các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Anh, Pháp. Không chỉ là trạm trung chuyển của các tàu buôn trên thế giới, Hội An còn đưa những sản vật của Đại Việt như tơ tằm, gốm, yến xào, quế đi đến các nước Nhật Bản, Đông Á, phương Tây. Với nhiều chính sách ưu đãi, các chúa Nguyễn đã biến Hội An trở thành cửa ngõ thông thương của Đàng Trong ra thế giới.

Thương cảng Hội An đặc biệt phát triển từ năm 1471 (thời vua Lê Thành Tông), và đặc biệt thịnh vượng vào thời chúa Nguyễn Hoàng vào xứ Đàng Trong nhậm chức Trấn thủ của Thuận Hoá và Quảng Nam. Từ thế kỉ 16 ~ 17, các chúa Nguyễn có chính sách ngoại thương thông thoáng, trong đó có việc cho phép các thương nhân người Hoa, người Nhật định cư ở Hội An. Từ đó, Hội An có 2 phố Nhật và Hoa.

Hội quán Phúc Kiến ngày nay

Với sự xuất hiện của thương nhân các nước như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp đã đưa Hội An trở thành một đầu mối trao đổi hàng hoá. Điều này được ghi nhận từ những dấu ấn từ khảo cổ học, văn bản để lại của các nhà truyền giáo, thương nhân cùng với các hoạ phẩm của các hoạ sĩ Nhật Bản và chứng minh Hội An thời đó là một thương cảng rất sầm uất của khu vực Đông Nam Á.

Qua nhiều thăng trầm của dòng lịch sử, thương cảng Hội An dần chuyển giao vị trí cửa ngỏ của mình cho Đà Nẵng, từ đó trở đi, thương cảng Hội An dần bị quên lãng cùng với thời gian. Nhưng trong cái rủi bị quên lãng, Hội An đã gặp một cái may, đó là Hội An tránh được những biến động của làn sóng đô thị hoá hiện đại, bảo tồn tương đối nguyên vẹn dung mạo xưa cho đến ngày nay.

Di tích bến cảng, dãy nhà cổ hai tầng quay lưng về phía sông Hoài, các hội quán của người Hoa, những ngôi mộ người Nhật đang còn tồn tại trong thành phố Hội An như một tấm gương phản ánh quá khứ huy hoàng xưa. Những loại hình kiến trúc đa dạng đó cùng với lối sống, phong tục, tập quán, lễ hội của cộng đồng cư dân Hội An đã tạo nên một sắc thái văn hoá riêng Hội An vừa mang tính bản địa, vừa có sự hài hoà của các yếu tố nước ngoài.

Phổ cổ Hội An nhìn từ sông Hoài

Bình luận về bài viết này