Bến thương cảng Hội An (con đường tơ lụa trên biển)

Sông Hoài ngày nay

Faifo – Hội An đã là một thương cảng thu hút thương nhân từ cả châu Á và châu Âu. Thương cảng này là đóng một vị trí quan trọng của con đường tơ lụa trên biển. Trong thời kì này, Đà Nẵng đóng vai trò là tiền cảng cho Hội An.

Vào thế kỉ 16 – 17, Hội An là một đô thị rất phồn thịnh, nơi giao lưu buôn bán với các nước trên thế giới. Hội An được mở cửa phát triển xuất phát từ chính sách của các chúa Nguyễn: mở cửa Hội An để tạo mối quan hệ giao thương với bên ngoài, vươn ra thế giới và tạo cho Đàng Trong phát triển mạnh mẽ thật sự. Quan trọng hơn, thương cảng này không nằm quá gần thủ phủ của các chúa Nguyễn và phù hợp với địa thế phòng thủ quân sự (có Hải Vân). Điều này vừa giải quyết bài toán kinh tế, vừa giải quyết bài toán hùng mạnh về mặt đối ngoại, hùng mạnh về mặt quân sự.

Hội An là nơi trung chuyển, xuất khẩu các sản vật của Việt Nam và nhập khẩu hàng hoá các nước đến Hội An. Hàng hoá của tỉnh Quảng Nam lúc đó được Lê Quý Đôn miêu tả trong Phủ biên tạp lục “Thuyền từ Sơn Nam (Đàng Ngoài) về chỉ mua được một thứ củ nâu. Thuyền từ Thuận Hoá (Phú Xuân) về thì chỉ có một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) thì hàng hoá không thứ gì không có.

Điều kiện tự nhiên là yếu tố cơ bản để Hội An trở thành một thương cảng lớn như vậy. Sản vật của Quảng Nam theo dòng sông Trường Giang, Thu Bồn đưa đến Hội An (dễ dàng hơn ra cảng Đà Nẵng), và chính dòng sông Thu Bồn đã góp phần tạo nên thương cảng sầm uất một thời này. Cuối dòng sông Thu Bồn là cửa biển, đưa hàng hoá đi khắp nơi. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để Faifo Hội An vươn mình trở thành thương cảng phồn vịnh bậc nhất khu vực Đông Nam Á bấy giờ chính vì địa thế đặc biệt, cuối nhánh sông Thu Bồn đổ ra biển tại Hội An không có cồn bãi, sâu và rộng, tàu bè vào buôn bán được. Quan trọng hơn, thương cảng này được bao bọc bởi Cù Lao Chàm, tấm lá chắn tự nhiên. Nằm cách bờ biển Hội An 15km, Cù Lao Chàm ngày nay trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới và cũng chính là điểm du lịch hấp dẫn.

Từ những thế kỉ trước, Cù Lao Chàm với địa hình dàn trải hình cánh cung, đóng vai trò bức tường thành chắn sóng cho đất liền. Điều đó giúp thuyền bè ra vào dễ dàng hơn. Trong những ngày thời tiết xấu, đây là bến neo đậu tàu thuyền đi qua vùng biển.

Thương cảng Hội An sầm uất ngày xưa

Tuy là một thương cảng có vị trí tự nhiên vô cùng thuận lợi nhưng không ít tàu buôn đã rơi vào tình huống nguy hiểm và bị đắm trước khi đến đích. Chính vì đó, các nhà khảo cổ mới có dịp khai quật tìm ra những hiện vật minh chứng cho một Hội An phát triển xưa. Giờ đây, hiện vật của các chuyến tàu đắm góp phần quan trọng cho mọi người nhận diện ra gương mặt của thương cảng ngày ấy.

Cuộc khai quật ở con tàu đắm Cù Lao Chàm vào những năm 90 của thế kỉ trước đã trục vớt được 340.000 cổ vật, trong đó có 250.000 còn nguyên vẹn với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu. Chuyến tàu cổ Cù Lao Chàm mang ý nghĩa quan trọng giúp các nhà khảo cổ học xác định được hành trình giao thương trên biển giữa Việt Nam và các nước khác. Đây là một hành trình được mệnh danh là con đường tơ lụa trên biển.

Hiện nay, trên 430 hiện vật là các loại gốm sứ đến từ Trung Quốc, Trung Cận Đông, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan được tìm thấy trong các gia đình, hay các tàu đắm trong khu vực thành phố Hội An đang được giới thiệu tại Bảo tàng Gốm Sứ Mậu Dịch Hội An. Sứ Hizen của Nhật Bản, sứ Cảnh Đức Trấn của Trung Quốc, sứ Chu Đậu của Việt Nam đã cho thấy một thời kì sầm uất tại Faifo Hội An trên hải trình Đông Tây vào thời kì đó.

Đến đây, mọi người sẽ được hiểu thêm về các hoạt động buôn bán xưa. Những hiện vật phong phú về niên đại và xuất xứ cho thấy sự tấp nập một thời của thương cảng cổ Hội An.

  • Từ thời đại tiền sơ sử, đã có dấu vết sự sinh sống của người bản địa
  • Từ thế kỉ thứ 4 ~ 5, đã có dấu vết của các gốm Islam ở Thổ Nhĩ Kì, hay các đồ trang sức ở vùng Trung Cận Đông, hay các sản phẩm gốm Trung Hoa, Nhật Bản.
  • Các dấu vết gốm sứ khai quật từ con tàu đắm Cù Lao Chàm

Đến cuối thế kỉ 18, một cồn cát nổi lên khiến Cửa Đại bị thu hẹp dần lại. Cửa Đại bị bồi đắp, cạn đi, tàu thuyền không thể cập bến. Dòng sông Thu Bồn cũng ngày ngày bị thu hẹp bởi những cồn bãi.

Cảng thị Hội An phải nhường chỗ cho Đà Nẵng, khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hàng hoá từ đó dần đổ về thương cảng trẻ này. Cảng Đà Nẵng vươn ra thay thế cho cảng Hội An theo quy luật của tự nhiên. Mỗi vùng đất đều có số phận và sứ mệnh được quy định bởi tự nhiên và lịch sử. Hội An đã hoàn thành sứ mệnh thương cảng quốc tế trong gần 3 thế kỉ (từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 18). Những chuyến tàu chở nặng hàng hoá ghé cảng Hội An thưa dần rồi biến mất. Bến cảng trở thành một bến sông nhỏ cho dân địa phương tập trung buôn bán các sản vật trong vùng. Ngày nay, lúc trời chưa kịp sáng thì dân trong vùng vẫn giữ thói quen đưa thuyền bè về đây trao đổi mua bán nhưng khi trời sáng thì họ bắt đầu tản ra và đi khắp nơi trong vùng, nhường lại bến sông cho du khách, những người tạo nên sự phồn thịnh mới của Hội An. Nhìn những con tàu du lịch neo đậu nơi đây cùng những dãy phố trầm mặc soi bóng xuống dòng sông Hoài đủ gợi cho du khách tưởng tượng về một bến cảnh xưa sầm uất.

Bình luận về bài viết này